Tản mạn…
Một năm buồn cho du học Nhật Bản, sau đợt Cục Nhật thanh lọc và tàn sát này sẽ có nhiều Trường tiếng phá sản và nhiều Trung tâm du học Nhật Bản tại Việt Nam không dám hoạt động nữa. Nhiều trường trượt đến 200/200 bộ, nhiều Trung tâm không một bộ nào lọt. Trong bối cảnh như vậy vẫn nhiều đơn vị nói rằng đỗ 100% hay 90% để xoa dịu, nhưng biết đâu nội bộ thảm hại đến mức nào. Nhiều em bị trượt thì đổ lỗi cho những người đi trước là do các anh chị ăn cắp ăn trộm và trốn nên người đi sau chịu ảnh hưởng. Phụ huynh chửi Trung tâm, Trung tâm đổ lỗi gia đình…
Xin kêu gọi các cộng đồng hãy ngừng nói dối và ngừng đỗ lỗi cho nhau nữa, cái thứ văn hoá rác rưởi này đã làm cả dân tộc chúng ta kéo chân nhau cả ngàn năm nay rồi. Hãy nhìn thẳng vào sự thật:
Đến từ một vùng quê nghèo và đất nước nghèo sang đó chúng ta không thể không làm thêm để trả nợ, khi bị xiết chặt giờ làm và sức ép tài chính phải đóng học vì hoàn cảnh chúng ta không thể không nghĩ đến chuyện bỏ trốn vì chữ hiếu với bố mẹ và gia đình. Tôi tin sang Nhật kiếm tiền đó nhưng các bạn trẻ đó không hề nghĩ đến bản thân mà đều vì chữ hiếu và tình thương không muốn bố mẹ phải chịu gánh nặng. Một độ tuổi 19-25 mà nghĩ được như vậy là một điều đáng mừng.
Chúng ta hãy ngưng đỗ lỗi cho nhau mà hãy nhìn nhận chính hoàn cảnh đã xô đẩy chúng ta đến bước đường cùng phải làm vậy. Chúng ta là nạn nhân hơn là phạm nhân. Nếu đất nước chúng ta được như họ, nền giáo dục của chúng ta được như họ, chúng ta không thất nghiệp như vậy, thì có lẽ chúng ta đã không phải sang đó. Hoàn cảnh đẩy chúng ta mà chúng ta ngồi đó mà chửi nhau làm gì. Bạn chửi người ta rồi sang đó bạn cũng như người ta mà thôi. Những người cộng khổ không nên phỉ báng nhau mà hãy nắm tay nhau. Hãy đoàn kết để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Giải pháp triệt để từ nay về sau:
Giai đoạn nhận hồ sơ và đào tạo tại Việt Nam nên kéo dài đến 7-9 tháng để học sinh đạt ít nhất N4-N3 rồi mới sang để có thể tập trung được việc học và kiếm việc dễ dàng mức lương ổn định hơn, tránh quá giờ. Tăng cường giờ học kĩ năng sống ở Nhật và cảnh báo những hệ luỵ cho học sinh nếu làm quá giờ hoặc trốn sẽ như thế nào. Kiên quyết không đưa học sinh không đạt N4 sang.
Những Trung tâm và công ty du học hãy cố gắng liên kết với nhiều Đơn vị làm thêm và các trường Chuyên môn Đại học để giúp đỡ một phần nào việc tìm việc làm thêm, việc thi lên để học sinh sau khi sang vẫn có chỗ dựa. Khi tư vấn lấy hồ sơ thì nói thẳng những khó khăn để gia đình hiểu và học sinh phải nỗ lực cố gắng học tập và làm việc đúng quy định tại Nhật.
Làm rõ mục đích Du học là để học còn đi làm thêm chỉ là phụ. Kiên quyết không nhận học sinh không có mục đích đi học mà chỉ muốn kiếm tiền. Nếu kiếm tiền hãy khuyên đi xuất khẩu lao động.
Hãy kêu gọi tình đoàn kết tình yêu thương trong nội bộ du học sinh không chỉ trong phạm vi một trung tâm mà tất cả cộng đồng du học Nhật. Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại lên hòn núi cao. Một bó đũa sẽ chẳng thể bẻ được nhưng nếu một cái đũa tách ra sẽ rất yếu. Bí quyết để vượt qua giai đoạn khó khăn này là hãy đoàn kết, đoàn kết tạo nên sức mạnh để đẩy lại cánh cửa đang ghép lại từ Cục quản lý xuất nhập cảnh. Đừng chém giết, ăn chặn của nhau nữa. Hãy học tập lưu học sinh Trung Quốc, dù nhiều quốc gia ghét nó, nhưng Cộng đồng du học sinh Trung Quốc cực kỳ đoàn kết khi ở nước ngoài. Chỉ cần hô lên một tiếng là cả cộng đồng nó xúm lại giúp đỡ lẫn nhau.
Nguồn – Cựu du học sinh Nhật: Phạm Quang Hùng