Nền kinh tế Ôxtrâylia phát triển liên tục trong nhiều năm qua với tỷ lệ thất nghiệp thấp, lạm phát được kiểm soát, mức nợ công thấp và hệ thống tài chính ổn định. Tính đến năm 2014, Ôxtrâylia đã có hơn 20 năm phát triển kinh tế liên tục với mức tăng trưởng trung bình mỗi năm là 3,5%. Nhu cầu về tài nguyên và năng lượng từ châu Á, đặc biệt từ Trung Quốc tăng nhanh trong thời gian qua và điều này đã tạo ra kênh phát triển và đầu tư vào tài nguyên phục vụ xuất khẩu hàng hóa. Đồng đôla của Ôxtrâylia tăng cao đã ảnh hưởng đến ngành sản xuất, ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nền kinh tế Ôxtrâylia, tương đương 70% GDP và 75% việc làm.
Ôxtrâylia ít chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu do hệ thống ngân hàng vững mạnh và lạm phát luôn được kiểm soát tốt. Ôxtrâylia hưởng lợi từ tăng trưởng mạnh của thương mại trong những năm gần đây do giá cả hàng hóa trên thế giới tăng nhanh. Ôxtrâylia là nước xuất khẩu lớn về tài nguyên thiên nhiên, năng lượng và thực phẩm. Nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú với trữ lượng lớn bao gồm than, sắt, đồng, vàng, khí gas, uranium và năng lượng tái tạo đã thu hút nguồn đầu tư lớn từ nước ngoài. Rất nhiều các dự án đầu tư lớn như dự án ga hóa lỏng Gorgon trị giá 40 tỷ USD đang không ngừng mở rộng ngành tài nguyên thiên nhiên. Ôxtrâylia là thị trường mở ít kiểm soát đối với hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu. Quá trình mở cửa nền kinh tế giúp tăng năng suất lao động, kích thích phát triển kinh tế và giúp nền kinh tế trở nên năng động và linh hoạt. Ôxtrâylia đóng vai trò tích cực trong Tổ chức thương mại thế giới, APEC, G20 và các diễn đàn kinh tế thương mại. Hiện nây, Ôxtrâylia đã ký hiệp định thương mại song phương với các quốc gia như Chilê, Malaysia, New Zealand, Singapore, Thái Lan và Hoa Kỳ; ký FTA với khu vực ASEAN và New Zealand; và hiện đang đàm phán để ký kết với Trung Quốc, Ấn Độ, Inđônesia, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia láng giềng Thái Bình Dương và các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh; đồng thời đang tiến hành đàm phán TPP với Brunei, Canada, Chilê, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam.
II. Đặc điểm nông nghiệp Australia:
Australia có diện tích tự nhiên 769 triệu hec ta (7.692.024 km2, rộng gấp 23 lần Việt Nam. Tuy có đến gần 2/3 diện tích (436 triệu hec ta) là đất có thể canh tác, nhưng Australia chỉ sử dụng có 46 triệu hec ta, gồm 18 triệu hec ta trồng trọt và 28 triệu hec ta đồng cỏ. Kinh tế Australia là một nền kinh tế thị trường thịnh vượng, phát triển theo mô hình kinh tế phương Tây, chi phối bởi ngành dịch vụ (chiếm 68% GDP), sau đó là nông nghiệp và khai thác mỏ (chiếm 29.9% GDP). Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, Australia là nước xuất khẩu chính các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là ngũ cốc và len, các khoáng sản, gồm nhiều kim loại, than đá và khí gas thiên nhiên. Với lịch sử non trẻ chỉ hơn 100 năm, với hơn 100 dân tộc đa văn hóa, nước Úc giờ đã trở thành một đất nước giàu mạnh, xây dựng được một nơi có đời sống tốt nhất thế giới, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng quan trọng kể cả dịch vụ giáo dục. Với mục tiêu ban đầu là tự đảm bảo nguồn lương thực cho người dân Úc, Chính phủ đã thực sự đầu tư vào việc phát triển ngành nông nghiệp Úc cho dù diện tích đất có thể canh tác được của Úc chỉ chiếm 1% tổng diện tích lục địa Úc (tổng diện tích Úc là 768 triệu héc ta) do chỉ có vùng ven biển là có lượng mưa tương đối tốt. Hiện nước Úc có 18 triệu héc ta trồng trọt và 28 triệu héc ta đồng cỏ trong đó chỉ có 4 triệu héc ta là thực sự có lượng nước đầy đủ.
Nông nghiệp: Nông nghiệp ở Ôxtrâylia phát triển theo hướng hiện đại và thậm chí được xem như một ngành công nghiệp. Australia nằm ở nam bán cầu và có các vùng khí hậu đa dạng, từ nhiệt đới đến ôn đới và hàn đới. Nhờ đó, nông nghiệp Australia có lợi thế trong sản xuất những loại nông sản trái vụ. Vào năm 2004-2005, ngành làm vườn Australia đã xuất khẩu gần 1 tỷ USD, trong đó có khoảng 600 triệu USD rau, quả, trái cây tươi và 290 triệu USD rau, quả chế biến. Cũng trong năm đó, Australia nhập khẩu 272 triệu USD rau, quả tươi và 648 triệu USD rau, quả chế biến. Các mặt hàng rau, quả tươi nhập khẩu của Australia mà Việt Nam có thể tham khảo là trái bơ, bưởi, tỏi, tiêu, hạt điều và hoa tươi. Đối với mặt hàng chế biến, Australia nhập khẩu các loại nước trái cây như nước cam, ngô, đậu Hà Lan đông lạnh, các loại mứt trái cây và một số trái cây khô như nho khô, trái mơ khô.
Lực lượng lao động chính thức trong lĩnh vực nông nghiệp của Úc là 420.000 người, chiếm 4% lực lượng lao động của toàn nước Úc (vào khoảng 10 triệu người) nhưng nước Úc có chỉ số tự cung cao nhất thế giới (nông nghiệp Mỹ có kim ngạch xuất khẩu nông sản đứng đầu thế giới nhưng chỉ số tự cung tự cấp lại thấp hơn Úc), cụ thể là tính trung bình một nông dân Úc có thể nuôi 190 người. Sản phẩm nông nghiệp chính của Úc là lúa mì, lúa mạch, mía, hoa quả, gia súc, cừu, gia cầm. “Nền nông nghiệp Úc cung cấp nông sản đầy đủ cho thị trường nội địa và xuất khẩu 80% tổng sản lượng, thu nhập của mỗi người nông dân Úc lên đến 100.000 USD/ năm, cao hơn so với GDP bình quân đầu người của Úc (60.000 USD/năm)”.
Giá trị nông sản của Australia đạt khoảng 25 tỷ USD /năm, chiếm khoảng 3,8% giá trị tổng sản lượng quốc gia, trong đó xuất khẩu đạt 18-20 tỷ USD, chiếm 75-80% tổng sản lượng nông sản. Ngành làm vườn hay có thể gọi là ngành sản xuất rau, hoa quả của Australia gồm sản xuất rau, hoa, quả, hạt (hạt dẻ, hạt macadamia…) và vườn ươm có giá trị sản lượng khoảng 5, 3 tỷ USD vào năm 2005-2006. Đây là một ngành không những có giá trị kinh tế lớn, mà còn giữ một vị trí xã hội đặc biệt quan trọng vì sử dụng nhiều lao động nhất, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả nhất và có nhiều cơ hội xuất khẩu nhất.
Sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi của Ôxtrâylia rất phong phú về chủng loại. Chỉ 20% sản lượng được tiêu thụ trong nước, còn lại đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu. Ôxtrâylia là quốc gia có tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ tự do thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp. Trợ cấp nông nghiệp của nước này gần như không đáng kể, mặc dù vẫn có bảo hộ trong một số “trường hợp ngoại lệ” như khi xảy ra hạn hán.
Nền nông nghiệp Ôxtrâylia phải đối mặt với một số thách thức như: vấn đề bảo vệ nguồn nước để chống hạn hán, chống nhiễm mặn đất và cuộc tranh cãi xung quanh việc phát triển thực phẩm biến đổi gen. Ở thị trường trong nước, các doanh nghiệp kinh doanh nông phẩm phải cạnh tranh gay gắt để giành cơ hội xuất khẩu.
Ôxtrâylia là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới xuất khẩu thuốc phiện hợp phát để làm dược phẩm. Rượu, thịt bò, lông cừu là những sản phẩm nổi tiếng của thị trường này.
Chế biến thực phẩm: Ngành chế biến thực phẩm của Ôxtrâylia rất đa dạng về chủng loại sản phẩm và là một thành phần thiết yếu của nền kinh tế quốc gia này. Đây là ngành công nghiệp lớn nhất cả nước với doanh thu hơn 71.4 tỷ USD trong năm 2005-06. Mặt hàng này tăng trưởng về giá trị trung bình 2% mỗi năm trong suốt mười năm qua.
50 công ty chế biến thực phẩm và đồ uống lớn nhất nước Ôxtrâylia chiếm tới ¾ thị trường nội địa. Siêu thị và các đại lý chiếm phần lớn doanh số tiêu thụ thực phẩm, khoảng 60% tổng giá trị bán lẻ mặt hàng này trong năm 2006-2007
Về ứng dụng công nghệ cao:
Việc thành lập các Trung tâm Xuất sắc (Centre of Excellence) để nghiên cứu những công nghệ cao nhằm xây dựng mô hình giải quyết dứt điểm từng loại cây /con đã đóng góp cho ngành làm vườn Australia những thành công đáng kể. Đây là những trung tâm nghiên cứu trọn gói. Từ khâu chọn giống, canh tác, thu hoạch, tiếp thị, đặc biệt khâu quản lý sau thu hoạch và kiểm tra chất lượng do các chuyên viên thuộc các ngành nghề và cơ quan khác nhau nhưng lại cùng nhau hợp tác làm việc trong mỗi dự án. Quy trình sản xuất tốt GAP (Good Agriculture Practice) cũng đã được nghiên cứu, tổ chức và nghiêm chỉnh thực hiện trong từng khâu của dây chuyền sản xuất và cho từng loại cây /con để nông sản luôn đảm bảo an toàn vệ sinh, đáp ứng yêu cầu về chất lượng của nhà sản xuất và người tiêu thụ trong và ngoài nước.
Nhờ những mô hình triển khai ở các Trung tâm Xuất sắc, ngành rau, hoa, quả đã trở thành một ngành mũi nhọn của nông nghiệp Australia. Ngày nay, hầu như toàn bộ vành đai xanh ven các thành phố lớn hoặc những vùng làng nghề xa xôi đã sản xuất rau, hoa, quả theo công nghệ cao, vừa có năng suất cao vừa bảo đảm an toàn vệ sinh. Năng suất 500 tấn cà chua hoặc 450 tấn dưa chuột /ha/năm không còn là một con số không tưởng. Nông gia trồng rau, hoa Australia đã có một thu nhập khoảng hơn nửa triệu USD /năm từ một nhà kính chỉ có diện tích 5.000 m2.
Về chính sách đầu tư nghiên cứu vào công nghệ và quy trình
Úc là một quốc gia có đất rộng người thưa, ít mưa, tình trạng khô hạn xảy ra thường xuyên, Úc không có một ngành nghề nào gọi là truyền thống, kể cả nông nghiệp – vốn là ngành nghề cổ xưa nhất của loài người. Cho nên có thể nói tất cả các cây, con và công nghệ sản xuất hiện đang sử dụng trong nông nghiệp Úc hiện nay đều có nguồn gốc nhập khẩu. Chính vì vậy, để phát huy tối đa hiệu quả của việc nhập khẩu trong việc phát triển nông nghiệp, Chính phủ Úc đã cho xây dựng các Trung tâm nghiên cứu để nhập khẩu giống và công nghệ, kiểm chứng, ứng dụng đại trà và thực hiện tiếp thu công nghệ. Để hỗ trợ hoạt động của các trung tâm này, Chính phủ Úc đã thành lập Hội đồng Nghiên cứu Úc nhằm xây dựng chiến lược và cung cấp kinh phí cho các công trình nghiên cứu khoa học. Hội đồng này đưa ra danh sách những hạng mục ưu tiên có lợi cho quốc gia và đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải lập dự án theo sát danh sách ưu tiên này nếu muốn nhận được tiền tài trợ cho việc nghiên cứu.
Theo như số liệu của Cục Kinh tế, khoa học nông nghiệp và nguồn lợi Úc (Abarres), giá trị sản lượng nông nghiệp Úc đạt 43 tỷ đô la Mỹ, tương đương với 3% GDP vào năm 2013. Riêng về sản lượng lúa của bang New South Wales (là bang sản xuất 99% sản lượng lúa của Úc) từ tháng 04/2014 đến tháng 03/2015 đạt 894.000 tấn trên diện tích gieo cấy 90.000 héc ta, tương đương với năng suất là 9,89 tấn/héc ta (năng suất lúa của toàn Việt Nam đạt 6,6 tấn/héc ta vào năm 2014).
Về chính sách đầu tư vào người nông dân
Nền nông nghiệp Úc được quản lý dưới hình thức nông trại, với khoảng 130.000 nông trại trên diện tích 46 triệu héc ta, trung bình một nông trại có diện tích 354 héc ta. Chính sách của chính phủ Úc là xây dựng một nền nông nghiệp vì nông dân, vậy nên Chính phủ giảm tối đã những điều luật, quy định bắt buộc đối với nông dân như các quy định về thuế hay hải quan, đồng thời đưa ra những chính sách hữu hiệu giúp đỡ nông dân ổn định trong sản xuất, tránh hiện tượng bỏ đất lên các thành phố lớn, đồng thời nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh.
III. Tiềm năng hợp tác Việt Nam – Australia:
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Úc đạt 3,99 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm 2013.
Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Úc đạt 2,06 tỷ USD, tăng 29,7% so với năm 2013. Việt Nam tiếp tục xuất siêu 1,93 tỷ USD. Thống kê của Thương vụ Việt Nam tại Australia cho thấy, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Australia từ 3,3 tỷ USD năm 2009 đã tăng gần 2 lần vào năm 2014 với giá trị đạt hơn 6 tỷ USD, trong đó kim ngạch XK của Việt Nam đạt 3,99 tỷ USD và NK đạt 2,06 tỷ USD.
Thị trường Úc là một thị trường nhập khẩu đầy tiềm năng. Úc là một đất nước vô cùng rộng lớn với diện tích trên 7,6 triệu km2 đứng thứ 6 trên thế giới, xấp xỉ diện tích nước Mỹ nhưng dân số thì ít ỏi chỉ có 23 triệu dân. Tuy dân số nhỏ như vậy nhưng Úc lại là một thị trường có kim ngạch nhập khẩu hàng hoá hơn 241 tỷ USD, và kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 262 tỷ USD trong năm 2013, một con số rất ấn tượng. Với tiềm năng thị trường to lớn như vậy nhưng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam mới chiếm một phần rất nhỏ, khoảng 2,2 tỷ USD mỗi năm. Cho nên rất cần chất xúc tác từ chính phủ hai nước, các cơ quan thương vụ của Việt Nam tại Úc cũng như doanh nghiệp để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong nước sang thị trường tiềm năng này.
Việt Nam hiện là một trong ba nhà nhà cung cấp hải sản lớn nhất cho thị trường Úc nên chắc chắn sẽ tăng được thị phần nếu có cách tiếp cận và bước đi phù hợp. Australia có nhiều lợi thế và đạt trình độ cao về sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp. Do đó, tiềm năng hợp tác đầu tư, thương mại nông-lâm-thủy sản giữa Việt Nam và Australia là rất lớn.
Nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Australia hiện đã vượt xa khả năng sản xuất, khiến quốc gia này hằng năm phải nhập khẩu hơn 200 nghìn tấn thủy sản, trị giá khoảng một tỷ USD, trong đó Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ ba sau New Zealand và Trung Quốc, chiếm 20% thị phần. Với dân số hơn 23 triệu người (dự kiến tăng lên 40 triệu người vào năm 2050) và là một trong những nước có tiêu chuẩn sống cao nhất trên thế giới với mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người tăng từ 10kg/năm vào những năm 1990 lên khoảng 25kg/năm hiện nay. Tuy nhiên, mức tiêu thụ bình quân này vẫn còn thiếu 40% so với khuyến cáo của các tổ chức về sức khoẻ của nước này. Do vậy, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Australia sẽ còn tăng hơn nữa và là một thị trường tiềm năng cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Tôm là loại hải sản được tiêu thụ nhiều nhất tại Australia, với khối lượng hằng năm lên tới 50 nghìn tấn, trong đó nhập khẩu khoảng 25 nghìn tấn. Tôm nuôi chỉ khoảng 4.000 tấn còn lại là đánh bắt tự nhiên. Tôm của Australia thường rất đắt nhưng được ưa chuộng vì tươi và người Australia thích mua hàng thực phẩm trong nước. Mặc dù vậy, ngày càng có nhiều người tiêu dùng chọn tôm đông lạnh nhập khẩu từ Thái Lan và Việt Nam do giá thành thấp hơn và chất lượng ngày càng được cải thiện (năm 2013, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia đạt hơn 128 triệu USD, tăng 27,5% so với năm 2012 và đây là thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 6 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc). Người tiêu dùng Australia chuộng tôm sú to.
Loại hải sản được tiêu thụ nhiều thứ hai là cá hồi tươi Đại Tây Dương với hơn 80% được nuôi tại các trang trại ở Tasmania. Người tiêu dùng Australia thích loại cá này vì là sản phẩm trong nước, có hàm lượng Omega 3 trong cá tốt cho sức khoẻ.Loại hải sản được tiêu thụ nhiều thứ ba là cá basa, cũng là một lợi thế của Việt Nam. Tuy nhiên, những thông tin sai lệch về chất lượng và an toàn thực phẩm của cá basa (và tất cả các loại cá từ Đông Nam Á) đã phần nào làm hạn chế lượng tiêu thụ.
Australia là thị trường xuất khẩu thủy sản tiềm năng của Việt Nam, nhưng cũng là quốc gia có các quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn sinh học. Hàng thủy sản của Việt Nam vẫn còn vài trường hợp dư lượng kháng sinh và dư lượng thuốc diệt nấm bị phát hiện và điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam nếu không loại trừ triệt để. Các trường hợp vi phạm do Bộ Nông nghiệp kiểm tra và phát hiện sẽ bị thông báo rộng rãi trên trang web của Chính phủ bao gồm cả tên nhà cung cấp và nước cung cấp. Ngoài ra, gần đây Australia phát hiện thủy sản Việt Nam bị bơm nước và tạp chất. Vấn đề này sẽ huỷ hoại hình ảnh của Việt Nam. Nó làm giảm giá trị và chất lượng của sản phẩm và tồi tệ nhất là thủy sản Việt Nam bị giảm giá trên thị trường.
Nguồn cung hàng của Australia bị hạn chế bởi vì Australia chỉ có thể cung cấp 25% nhu cầu hiện nay, do vậy hầu hết người tiêu dùng chỉ có hai lựa chọn hoặc mua hàng nhập khẩu, hoặc không ăn hải sản. Thật đáng tiếc là nhiều người chọn không mua hải sản và hầu hết người Australia ăn ít hơn 40% lượng hải sản mà các cơ quan sức khoẻ khuyến cáo. Để khắc phục điều này, Australia cần nhập thêm hàng triệu tấn hải sản. Do vậy, tiềm năng từ thị trường này rất lớn nếu người tiêu dùng tin tưởng và quay sang lựa chọn các nhãn hiệu nhập khẩu. Việt Nam hiện là một trong ba nhà nhà cung cấp hải sản lớn nhất cho thị trường Australia nên chắc chắn sẽ tăng được thị phần nếu có cách tiếp cận và bước đi phù hợp.
Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn còn hết sức hạn chế, chỉ đạt hơn 950 dự án, vốn đầu tư đăng ký 4,8 tỷ USD, trong đó các dự án đầu tư liên quan đến sản xuất nông-lâm-thủy sản đạt khoảng 480 dự án, vốn đăng ký là 3,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng thấp so với vốn đầu tư FDI đăng ký tại Việt Nam. Mặt khác, hiệu quả thực hiện các dự án trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản còn rất hạn chế. Chính vì vậy, Việt Nam kêu gọi các đối tác nước ngoài, trong đó có Australia thúc đẩy hơn nữa hợp tác, đầu tư thương mại trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản với Việt Nam.
Về phía Australia, nước này cũng bày tỏ sự quan tâm đến biện pháp tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản, như thiết kế các khóa học tập kinh nghiệm, trao đổi chuyên gia. Đồng thời, cũng gợi ý Việt Nam cần chú ý hơn tới việc tạo kênh để nông dân tiếp cận thị trường dễ dàng, hay vấn đề triển khai ứng dụng khoa học công nghệ mới trong nông nghiệp và phát triển nông thôn.
IV. Thuận lợi và khó khăn trong hợp tác nông nghiệp với Australia:
Thuận lợi
Theo nhận định của Thương vụ Việt Nam tại Australia, danh mục hàng hóa xuất khẩu vào Australia tương đối đa dạng. Một số mặt hàng thâm nhập thị trường khá thuận lợi nhờ nhu cầu tiêu dùng tốt. Điển hình là hàng thủy sản. Hiện mặt hàng thủy sản Việt Nam đang XK nhiều nhất sang Australia là tôm, chiếm 59% giá trị XK của thủy sản của Việt Nam sang thị trường này, trong đó tôm đông lạnh chiếm gần 25%. Trên thị trường tôm của Australia, Việt Nam đang chiếm 30% thị phần, chỉ sau Trung Quốc 35%. Song, đối với sản phẩm tôm chế biến, Việt Nam đang dẫn đầu.
Ngoài ra, mới đây, Bộ Nông nghiệp Australia vừa có văn bản chính thức cho phép nhập khẩu trái vải tươi của Việt Nam kể từ ngày 18/4/2015. Thương vụ Việt Nam tại Australia nhận định, việc đưa trái vải thành công vào thị trường Australia sẽ đồng thời mở ra cơ hội mới cho một số loại trái cây khác như thanh long, nhãn, xoài…
Nhu cầu các mặt hàng của thị trường Australia đều rất lớn. Mỗi năm, Australia NK khoảng 80 tỉ USD, tuy nhiên kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này mới chỉ đạt gần 4 tỉ USD. Do vậy, dung lượng thị trường còn rất lớn, nếu DN nỗ lực thực hiện công tác xúc tiến thị trường, tìm kiếm cơ hội thì kim ngạch XK vào thị trường Australia còn tăng cao hơn nữa. Tuy nhiên, đây là thị trường yêu cầu cao về chất lượng. Đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm, Australia áp dụng quy định “Lệnh giữ hàng” để xử lý các lô hàng không đạt yêu cầu về chất lượng hoặc yêu cầu về đóng gói, bao bì, ký mã hiệu. Khi DN nào đã bị áp dụng lệnh giữ hàng, các lô hàng tiếp theo sẽ không được phép NK vào thị trường hoặc phải chịu kiểm tra chặt chẽ trong 5 chuyến sau đó nếu vi phạm lần đầu và là vi phạm các lỗi nhỏ thuộc về nhãn mác, bao bì. Do vậy, muốn đẩy mạnh XK sang thị trường này các DN XK thực phẩm nên chú ý đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Khó khăn
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan trên, chúng ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Úc và New Zealand như:
– Nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong việc nắm bắt thông tin thị trường và hiểu biết tập quán, thị hiếu của người tiêu dùng.
– Khó khăn về rào cản kỹ thuật bởi hàng rào phi thuế quan của Úc và New Zealand khá chặt chẽ.
– Khó khăn về chi phí do đầu tư cải tiến nhiều khâu từ thiết kế, kỹ thuật, bảo quản, vận chuyển, quản lý chất lượng… làm gia tăng chi phí sản xuất.
Vấn đề hiện nay là các qui định nghiêm ngặt của Úc về vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn sinh học. Hàng thuỷ sản của Việt Nam vẫn còn vài trường hợp dư lượng kháng sinh và dư lượng thuốc diệt nấm bị phát hiện và điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam nếu không loại trừ triệt để. Các trường hợp vi phạm do Bộ Nông nghiệp kiểm tra và phát hiện sẽ bị thông báo rộng rãi trên trang web của Chính phủ bao gồm cả tên nhà cung cấp và nước cung cấp. Ngoài ra, gần đây Úc phát hiện thuỷ sản Việt Nam bị bơm nước và tạp chất. Vấn đề này sẽ huỷ hoại hình ảnh của Việt Nam. Nó làm giảm giá trị và chất lượng của sản phẩm và tồi tệ nhất là thuỷ sản Việt Nam bị giảm giá trên thị trường.
Nếu chúng ta tháo gỡ được các rào cản thương mại cho doanh nghiệp đồng thời với việc đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, thông tin tuyền truyền… sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Úc có bước tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới, đặc biệt cần chú trọng vào các mảng công tác công tác về chính sách, tháo gỡ các rào cản; Công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; Công tác thông tin và truyền thông; Công tác vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Úc.